Sáu tháng quy hoạch trang trại để 'bỏ phố về quê'
- ATA Marcom
- Thứ sáu - 17/09/2021 01:05
Nhiều người 'bỏ phố về quê' thích chọn nhà trên những ngọn đồi, thung lũng nằm sâu trong rừng hoặc xa khu dân cư, đó là sai lầm.
Đừng vội chỉ nghe người ta nói "nhiều bạn trẻ bỏ phố về quê để rồi nhận cái kết đắng", hay "vỡ mộng khi bỏ phố về vườn". Thật ra tôi cho rằng, "bỏ phố về quê" không khó, điều quan trọng nhất là bạn phải thật chịu khó. Trong quá trình bỏ phố về quê, tôi đã học hỏi và đúc kết cho mình những điểm quan trọng mà đa số mọi người sẽ không chú tâm hoặc hiểu sai về nó. Trong đó có sáu yếu tố quan trọng mà bạn cần xác định trước khi bắt đầu dự án này.
Mục đích của "bỏ phố về quê"
Tôi cho rằng, điều đầu tiên cần xác định khi bỏ phố về vườn chính là mục đích cuối cùng mà bạn muốn đạt được. Bạn lựa chọn bỏ phố về quê để làm gì? Nếu chỉ để có một nơi nghỉ dưỡng, hưởng thụ, thì sẽ là không thực tế. Bạn sẽ mất bao nhiêu thời gian để có thể xây dụng một trang trại, một khu vườn, phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng? Và rồi bạn sẽ thực sự nghỉ dưỡng được bao lâu? Hay bạn lựa chọn bỏ phố chỉ để tìm một nơi nghỉ ngơi cuối tuần, một nơi tái tạo năng lượng cho ngày mới?
Tài chính
Ngay khi bắt đầu và xuyên suốt quá trình thực hiện dự án, điều vô cùng quan trọng cần được tính toán kỹ chính là chi phí đầu tư. Trước khi bắt đầu làm trang trại, tôi đã luôn mặc định rằng, đây là sự đầu tư dài hạn, và chi phí sẽ là không hề thấp. Do đó, tôi cần lập kế hoạch thực hiện càng chi tiết càng tốt. Có hai loại chi phí cơ bản là: chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành.
Đừng nghĩ rằng hoàn thành dự án là bước cuối cùng, đó chỉ là bước khởi đầu, bạn còn cần tính đến cả chi phí vận hành và duy trì khu vườn của mình sau đó, cả những chi phí phát sinh ngoài kế hoạch.
Lựa chọn vị trí
Một thực tế thường gặp của những người "bỏ phố về vườn" chính là xu hướng chọn nhà trên những ngọn đồi hoặc thung lũng nằm sâu trong rừng hoặc xa khu dân cư. Những vùng đất tưởng chừng bình yên ấy thực ra lại không hề lý tưởng. Bạn thử nghĩ mà xem, riêng một mình bạn trên một ngọn đồi, nghe thì có vẻ thích đó, bình yên đó, nhưng điện nước thì sao, con đường ngày mưa có thích hợp để di chuyển, khí hậu có khắc nghiệt, có cách quá xa trung tâm hành chính, y tế và nhiều yếu tố ngoại cảnh khác...?
Một yếu tố đi kèm với việc lựa chọn vị trí chính là thời gian. Bạn có sẵn sàng dành hàng tuần, hàng tháng di chuyển 6 đến 12 tiếng chỉ để đi nghỉ ngơi cuối tuần? Do đó, quyết định lựa chọn một vị trí cũng nên cân nhắc về tính khả thi. Riêng tôi lại lựa chọn về một vùng thôn quê, trong một con hẻm nhỏ, rất bình yên, an sinh xã hội tốt, có một khoảng không đủ rộng để tách biệt để vẫn cảm thấy tĩnh lặng và riêng tư.
Quy hoạch cảnh quan
Sau khi đã có một vị trí đẹp để làm vườn, điều tiếp theo cần quan tâm chính là quy hoạch và thiết kế cảnh quan. Làm nông trại không như xây dựng một căn nhà, phải có thời gian cho cây lớn và không dễ dàng để di chuyển các cây đi. Cho nên, tôi lại học thêm về địa hình, kiến trúc, kỹ thuật thiết kế trại, rồi tìm hiểu thêm từ kiến trúc sư để quy hoạch khu vườn một cách hợp lý. Để quy hoạch vườn, bạn phải trả lời các câu hỏi như: nên trồng cây gì, ở đâu, xây dựng mô hình thế nào? Và không quên tạo ra những cảnh quan sinh thái.
Quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi
Đến bước này, tôi mới thấy thật sự khó khăn, ở những bước trên, bạn có thể thực hiện dễ dàng nếu có tài chính. Tuy nhiên, muốn "bỏ hẳn phố để về vườn" bạn phải sáng nắng chiều mưa ở ngoài đồng, trở thành một anh nông dân thực thụ. Bởi vì, đây mới chính là cái cốt lõi, niềm vui của "bỏ phố về quê". Những câu hỏi sẽ bắt đầu từ: nên nuôi con gì, trồng cây gì?; cho đến làm sao để trồng rau sạch, sẽ có những khó khăn gì, rau bị sâu phải xử lý thế nào, có phun thuốc không, gà bị bệnh phải làm sao...? Nói tóm lại, vô vàn kiến thức đòi hỏi bạn phải tự tìm tòi, trải nghiệm và thực hiện.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có ba thế hệ làm nông. Từ khi còn nhỏ, tôi đã ra đồng, mò cua, bắt ốc, bẻ măng, đi cấy, tới mùa còn đi bắt sâu cây lá..., không có việc gì mà tôi ngần ngại, sợ khổ. Nên khi làm nông trại, tôi không ngại ra vườn, thậm chí còn phải tự làm mẫu, chỉ tay công việc cho nông dân... Những việc như thế này có bao nhiêu người chịu được?
Nhờ đó, tôi tiết kiệm thêm được một chút thời gian trong khi các bạn trẻ thành phố, những người chỉ quen với cuộc sống hiện đại phải mất khá nhiều thời gian để làm quen với môi trường sống mới, công việc mới và cả sự thất vọng mới nữa. Tuy nhiên, tôi không nói vậy để khuyên các bạn từ bỏ mà là để mọi người có cái nhìn thực tế về nhũng gì phải làm, phải trải qua. Chỉ cần có chí, khả năng chịu khó, tôi tin không gì có thể ngăn cản bạn thành công.
Khu nhà ở, tiện ích
Nhà ở phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, phù hợp với địa hình. Bạn nên nghiên cứu về phong thủy nhà ở để lựa chọn hướng nhà tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời. Lựa chọn hướng nhà cũng để tránh được gió mùa nắng nóng, như hướng Tây, Đông, Tây Bắc. Nhà ở nên xây dựng phía trên cao, đầu nguồn nước, không xây dựng phía sau khu chuồng nuôi. Bên cạnh đó, bạn cần thiết kế nhà sao cho phù hợp với cảnh quan thiên nhiên và nhu cầu của mỗi người.
Điều cuối cùng chính là hãy "về vườn" với một tâm thái tự tin, say mê, chấp nhận mọi khó khăn, thử thách. Điều này đúng với câu: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền". Đối với tôi, thành quả có được sau những cố gắng lại càng đáng giá và hạnh phúc hơn cả. Hãy luôn mỉm cười với công việc bạn đang làm, rồi thành công sẽ đến.
Quá trình "bỏ phố về quê" của tôi đến nay có thể tạm xem là thành công. Tôi đã mất gần khoảng sáu tháng để quy hoạch và định hình trang trại. Hiện tại, dù tình hình dịch bệnh có hơi khó khăn, nhưng tôi vẫn đang duy trì tốt mô hình của mình. Hy vọng, với những trải nghiệm của một người đi trước, tôi sẽ giúp được chút ít cho những ai đang có ý định "bỏ phố về vườn" có một cái nhìn trực quan hơn và từng bước thành công với ước mơ của mình.