Quy hoạch mới mở ra không gian phát triển mới cho khu vực Miền Trung – Bài 1: Nhận diện những đô thị lớn
- ATA Marcom
- Thứ tư - 15/11/2023 20:05
Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-TTg.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế. Nơi đây cũng được định hướng trở thành một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Đến năm 2030, Khánh Hòa có 02 đô thị loại I (thành phố Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm); 01 đô thị loại II (thành phố Cam Ranh); 01 đô thị loại III, 02 đô thị loại IV và các đô thị loại V.
Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.
Mới đây HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch vừa được thông qua, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng; là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu;…
Đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 09 đơn vị hành chính.
9 đơn vị hành chính nói trên gồm, 02 quận (trong đó thành phố Huế chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương), 03 thị xã (thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và thành lập thị xã Phong Điền) và 04 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông).
Đến năm 2030, Thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính.
9 đơn vị hành chính nói trên, gồm 3 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy), 02 thị xã (Hương Trà, Phong Điền) và 04 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, huyện Phú Lộc - Nam Đông); đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và phần mở rộng đến thị trấn Phú Lộc, các xã ven biển huyện Phú Lộc hiện hữu) đạt tiêu chí đô thị loại III.
Nhiều đô thị được nâng cấp, thành lập mới
Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030 có 12 đô thị, gồm: 01 đô thị loại II là Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm; 04 đô thị loại IV, trong đó có 02 đô thị hiện hữu là Tân Sơn, Phước Dân và 02 đô thị mới gồm Phước Nam, Cà Ná; 07 đô thị loại V, trong đó có 01 đô thị hiện hữu Khánh Hải và 06 đô thị mới gồm Lợi Hải, Phước Đại, Thanh Hải, Lâm Sơn, Vĩnh Hy, Sơn Hải.
Ninh Thuận sẽ phát triển 06 đô thị ven biển gồm: Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná thuộc dải ven biển, phát triển theo cấu trúc không gian đan xen, hỗn hợp đô thị - du lịch.
Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm sẽ được phát triển gắn với các không gian mở rộng là các khu vực dự kiến phát triển đô thị, gồm 04 không gian động lực, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển thành phố trở thành đô thị du lịch vùng Nam Trung Bộ.
Tương tự, theo quy hoạch vừa được phê duyệt, toàn thành phố Đà Nẵng sẽ được tổ chức theo 03 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái với 12 phân khu.
12 phân khu nói trên gồm: Phân khu Ven sông Hàn và Bờ Đông diện tích khoảng 6.644 ha; Phân khu Ven vịnh Đà Nẵng diện tích khoảng 1.530 ha; Phân khu Cảng biển Liên Chiểu diện tích khoảng 1.285 ha; Phân khu Công nghệ cao diện tích khoảng 5.585 ha;
Phân khu Trung tâm lõi xanh diện tích khoảng 4.775 ha; Phân khu Đổi mới sáng tạo diện tích khoảng 3.903 ha; Phân khu Sân bay diện tích khoảng 1.327 ha; Phân khu đô thị Sườn đồi diện tích khoảng 2.729 ha; Phân khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao diện tích khoảng 2.986 ha;
Phân khu Dự trữ phát triển diện tích khoảng 5.858 ha; Phân khu sinh thái phía Tây diện tích khoảng 57.692 ha; Phân khu sinh thái phía Đông bao gồm huyện Hoàng Sa và bán đảo Sơn Trà diện tích khoảng 4.232 ha.
Quy hoạch cũng định hướng điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm (Thanh Khê và Hải Châu) thành phát triển đa cực. Phát triển toàn thành phố Đà Nẵng trở thành một điểm du lịch lớn.
Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt cho biết, đến năm 2030, Quảng Bình dự kiến có 16 đô thị.
16 đô thị nói trên gồm 1 đô thị loại II (Đồng Hới); 1 đô thị loại III (Ba Đồn), 2 đô thị loại IV (Hoàn Lão mở rộng; Kiến Giang mở rộng); 12 đô thị loại V gồm có 6 đô thị hiện có (Đồng Lê, Phong Nha, Quán Hàu, Quy Đạt, Nông trường Việt Trung, Nông trường Lệ Ninh) và 6 đô thị xây dựng mới (Hòn La, Quảng Phương, Dinh Mười, Tiên Hóa, Cha Lo và Phúc Trạch).
Quy hoạch cũng định hướng hình thành các khu dân cư tập trung quy mô vừa và lớn kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông cấp tỉnh, huyện và liên huyện; kết nối giao thông với các tuyến liên xã, liên vùng.
Các khu vực dự kiến phát triển nhà ở tại khu vực đô thị đảm bảo đồng bộ với các khu vực phát triển hệ thống hạ tầng theo Chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung phát triển các khu dân cư tại các địa phương gần khu công nghiệp.
Nguồn tin: thanhnienviet.vn