Nóng trong tuần: Bất động sản thời gian tới sẽ ra sao?
- ATA Marcom
- Chủ nhật - 26/11/2023 19:49
Thị trường bất động sản sẽ ra sao trong hai năm tới?
Năm 2023, thị trường bất động sản Việt Nam đã phải trải qua áp lực kinh tế toàn cầu và các thách thức toàn cầu cũng như nội địa. Tình trạng lãi suất cao gieo rắc những bất ổn cho các nhà đầu tư. Lạm phát gia tăng cũng gây áp lực lên chi tiêu hộ gia đình; lĩnh vực sản xuất ghi nhận mức tồn kho cao, đơn đặt hàng sản xuất giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành tăng trưởng chủ chốt của Việt Nam.
Cùng với đó, sự chậm trễ trong việc phê duyệt các dự án nhà ở làm trì hoãn việc triển khai đầu tư, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Tuy nhiên, nhu cầu sở hữu nhà ở vẫn mạnh mẽ nhờ quá trình đô thị hóa trên cả nước, nguồn dân số đông và nhu cầu cấp thiết về nhà ở ở các thành phố lớn. Những nỗ lực của Chính phủ trong hai năm qua đã đạt tiến triển trong quản lý và giải quyết vấn đề này, xây dựng niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn.
Hé lộ giá bồi thường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu qua TP. Biên Hòa
UBND TP.Biên Hòa vừa ký ban hành quyết định về việc phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án thành phần 1 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, đoạn qua TP.Biên Hòa. Theo quyết định này, tổng diện tích khu đất định giá của dự án thành phần 1 thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 đoạn qua TP.Biên Hòa là hơn 47ha, tại P.Phước Tân và P.Tam Phước gồm các loại đất: đất ở tại đô thị; đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất trồng lúa, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thuỷ sản.
Mức giá đất bồi thường cao nhất được duyệt là 25,990 triệu đồng/m2 đối với đất ở tại đô thị vị trí 1 và thấp nhất là 1,224 triệu đồng/m2 đối với đất nông nghiệp (đất nuôi trồng thuỷ sản, đất rừng sản xuất vị trí 4).
Bình Định chỉ đạo “giải cứu’’ 26 dự án bất động sản
UBND tỉnh Bình Định vừa báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo đó, tính đến thời điểm tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 42 dự án chậm triển khai, chưa triển khai. Trong đó có 8 dự án nhà ở xã hội và 34 dự án khu dân cư, khu đô thị.
Đơn cử, dự án khu nhà ở xã hội thuộc khu vực 1, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn chậm triển khai do gặp khó khăn trong việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Dự án nhà ở xã hội PISICO chậm triển khai do vướng mắc về phương án thiết kế công trình theo quy định đối với quỹ đất 20% kinh doanh thương mại; chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ nên nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng thương mại với lãi suất cao, đã làm chi phí xây dựng tăng ảnh hưởng đến hiệu quả dự án của nhà đầu tư.
Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch thành đô thị vệ tinh vùng TP.HCM, đạt tiêu chuẩn đô thị loại II vào năm 2030
Ranh giới cụ thể được giới hạn như sau: phía Bắc giáp huyện Long Thành và sông Đồng Nai, bên kia sông là khu vực Cát Lái thuộc thành phố Thủ Đức; phía Đông giáp huyện Long Thành và một phần khu vực Mỹ Xuân, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; phía Tây giáp huyện Nhà Bè, TP.HCM; phía Nam giáp huyện Cần Giờ, TP.HCM. Thời hạn lập quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045.
Mục tiêu lập điều chỉnh quy hoạch chung nhằm mục đích cụ thể hóa các định hướng quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chỉ Minh và quy hoạch tỉnh Đồng Nai. Về tính chất, Nhơn Trạch giữ nguyên tính chất đã xác định tại Quy hoạch chung năm 2016, cập nhật các yếu tố tác động từ vùng TP.HCM, quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đô thị mới Nhơn Trạch hướng tới trở thành trung tâm tổng hợp cấp tỉnh, là đô thị vệ tinh vùng Thành phố Hồ Chí Minh; trung tâm công nghệ sạch, công nghiệp đa ngành, đổi mới sáng tạo, dịch vụ công nghiệp và Logistics, trung tâm giải trí và du lịch cảnh quan sinh thái của vùng; là đầu mối giao thông cấp vùng về đường bộ, đường sắt, đường thủy đường hàng không, cửa ngõ kết nối quốc tế, cực phát triển trọng điểm phía Đông, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thời gian tới, người dân có thể sẽ rất khó mua được nhà ở đầy đủ pháp lý
Chuyên gia dự báo, các dự án trong tương lai sẽ cần đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe hơn để đạt tiêu chuẩn pháp lý mở bán, các chủ đầu tư sẽ mất nhiều thời gian hơn để chuẩn bị ra hàng. Do đó, thị trường sắp tới khó có khả năng bùng nổ nguồn cung. Thị trường bất động sản hầu như không có thanh khoản, các dự án ngưng bán hàng, thậm chí bị thu hồi hoặc vướng phải kiện tụng, tranh chấp với khách hàng... Nút thắt về pháp lý khiến các nhà đầu tư ngày càng thận trọng khi ra quyết định đầu tư vào sản phẩm bất động sản.
Trước tình trạng thị trường bị giảm niềm tin, giai đoạn từ giữa năm 2022 đến nửa đầu năm 2023, Nhà nước đã đẩy mạnh công tác quản lý bằng cách siết chặt tín dụng và hệ thống lại hàng rào pháp lý về đất đai và nhà ở. Sau một năm Chính phủ cùng các doanh nghiệp bất động sản nỗ lực không ngừng, đến nay dòng chảy bất động sản dần có những dấu hiệu tích cực, các sản phẩm quay trở lại thị trường với hình ảnh mới hấp dẫn hơn, pháp lý chặt chẽ và các chính sách ưu đãi hơn, xoa dịu sự lo ngại của khách hàng.
Chủ tịch TP.HCM chỉ đạo quận, huyện gấp rút giải ngân 94 dự án
Đáng chú ý, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ để giải ngân chi phí, thực hiện thi công xây lắp, giải quyết thủ tục đầu tư.
Trong đó, huyện Nhà Bè có 5 dự án, huyện Hóc Môn có 17 dự án, huyện Củ Chi có 13 dự án, huyện Bình Chánh có 8 dự án, TP Thủ Đức có 17 dự án; quận Tân Bình có 8 dự án, quận Gò Vấp có 4 dự án, quận Bình Tân 7 dự án, quận 8 có 5 dự án, quận 12 có hai dự án, các quận 5, 6, 7, 11 có một dự án. Tổng cộng 94 dự án.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao các chủ đầu tư tập trung lập kế hoạch, công việc chi tiết để hoàn tất giải ngân số vốn được giao và bám sát tiến độ thi công. Đồng thời, thường xuyên họp giao ban với các nhà thầu, thúc đẩy việc tăng ca, bổ sung máy móc thiết bị trên công trường để đẩy nhanh tiến độ thi công; cương quyết xử lý nhà thầu cố tình chây ỳ hoặc không đủ năng lực tài chính, năng lực thi công dẫn đến chậm triển khai theo tiến độ.
Nguồn tin: thanhnienviet.vn