'Mở' cửa ngõ TP.HCM
- ATA Marcom
- Thứ năm - 07/09/2023 22:27
33 dự án ưu tiên, ai làm chậm sẽ bị kiểm điểm
UBND TP.HCM vừa thống nhất danh mục 33 dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn để tập trung thực hiện trong năm 2023, theo đề xuất của Sở GTVT TP. Trong đó, 20 dự án đã có quyết định phê duyệt đầu tư gồm: tuyến metro số 1, metro số 2, QL50, dự án thành phần 1 xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, đoạn 3 đường Vành đai 2 (từ đoạn Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa), nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy, mở rộng xa lộ Hà Nội... cùng một số cây cầu đang dang dở thuộc TP.Thủ Đức như cầu Nam Lý, cầu Tăng Long...
Nhóm 13 dự án chuẩn bị đầu tư sẽ được thực hiện bằng nguồn ngân sách và hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (tổng mức đầu tư 15.900 tỉ đồng) đứng đầu danh sách ưu tiên nhóm này. Tiếp đến có đường Vành đai 2 - đoạn 1 (8.591 tỉ đồng), đường Vành đai 2 - đoạn 2 (8.458 tỉ đồng), dự án đường Vành đai 4 (19.187 tỉ đồng), cầu Thủ Thiêm 4 (5.300 tỉ đồng), cầu Cần Giờ (9.982 tỉ đồng), xây dựng cầu - đường Bình Tiên (hơn 4.100 tỉ đồng), xây dựng mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý; mở rộng QL13… Ngoài ra, dự án xây dựng tuyến đường Liên Cảng Phú Hữu - Cát Lái - Vành đai 3 (8.000 tỉ đồng) dự kiến được xây dựng bằng nguồn vốn thu phí cảng biển.
2023 - Khởi đầu hành trình 10 năm đột phá trong hạ tầng giao thông của TP.HCM
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cũng khẳng định 2023 là một năm rất đặc biệt, khởi đầu hành trình 10 năm đột phá trong hạ tầng giao thông của TP.HCM cũng như các vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Trong năm nay, người dân TP.HCM sẽ chứng kiến một loạt dự án được triển khai, từ khép kín mạng lưới đường vành đai, tăng tỷ lệ đường cao tốc, những dự án lớn mang tính liên vùng, kết nối cho tới những dự án cầu, đường vùng nội đô mà người dân đã chờ đợi từ rất lâu trong thời gian qua.
"Chắc chắn trong năm nay, ngành giao thông bứt tốc sẽ tạo động lực lớn phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng", ông Lương Minh Phúc nói.
Thực tế, danh sách các dự án trọng điểm triển khai trong 2023 hầu hết đều là những cái tên quen thuộc, đã "nằm trên giấy" hàng thập niên và đều là những công trình cửa ngõ có tính chất liên kết, liên vùng trọng điểm. Trong đó, dự án có "thâm niên" trên giấy lâu nhất là mở rộng QL13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước. Được UBND TP.HCM đề xuất từ năm 2002, sau 2 thập niên, tổng mức đầu tư dự án đã đội lên gấp đôi nhưng đường vẫn chưa mở rộng. Tương tự, cầu Cần Giờ nối từ trung tâm TP.HCM sang huyện đảo Cần Giờ được kỳ vọng xóa điểm nghẽn giao thông, thúc đẩy kinh tế, thay đổi diện mạo cho cả huyện đảo nhưng bao năm qua vẫn ì ạch "án binh bất động".
Vì thế, trong lần ưu tiên này, lãnh đạo UBND TP.HCM đã quyết liệt chỉ đạo Sở GTVT là cơ quan thường trực, chủ trì theo dõi, đôn đốc sở ngành đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao, tổng hợp, báo cáo UBND TP về tình hình thực hiện; đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm trên định kỳ hằng tháng (trước ngày 5 hằng tháng). Đặc biệt, ngành giao thông TP được giao phối hợp với Sở Nội vụ kịp thời đề xuất UBND TP phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, giải quyết công việc chậm trễ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân có liên quan nếu hoàn thành nhiệm vụ sẽ được khen thưởng xứng đáng.
Gỡ loạt "nút cổ chai"
Thông tin dự án QL13 được ưu tiên triển khai mở rộng khiến nhiều người dân TP vừa mừng vừa lo. Mừng là bởi con đường này được coi là "xương sống" nối tỉnh Bình Dương với TP.HCM. Tháng 4.2022, phía Bình Dương đã khởi công dự án nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn giáp ranh TP.HCM đến TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) dài 12,6 km, thêm 2 làn xe (từ 6 làn xe lên 8 làn xe), hướng từ TP.HCM đi Bình Dương.
Tại buổi lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Dành - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đã nhấn mạnh đoạn đường này giao với tuyến Vành đai 3 TP.HCM, là tuyến đường kết nối vùng quan trọng đang được Chính phủ và các tỉnh Đông Nam bộ tích cực chuẩn bị triển khai. Vì thế, nếu đoạn phía TP.HCM nhanh chóng được mở rộng, QL13 sẽ trở thành tuyến đường trọng điểm kết nối TP.HCM với các tỉnh phía đông và Tây nguyên. Thế nhưng, nỗi lo cũng không kém, bởi thời gian qua, đoạn QL13 phía Bình Dương mới chỉ có 6 làn xe mà đã gây dồn ứ rất lớn khi về tới TP.Thủ Đức (TP.HCM).
Vận chuyển hàng hóa từ Bình Dương về TP.HCM chủ yếu theo QL13 nhưng với hơn 13 khu công nghiệp, lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc hàng "khủng" khiến tình trạng ách tắc diễn ra cả ngày lẫn đêm. Cầu Bình Triệu phải gánh một lượng phương tiện khổng lồ, biến QL13 trở thành nút cổ chai. Nếu tiếp tục chậm trễ, danh sách ưu tiên lại "delay" như những năm trước thì khi đoạn mở rộng phía Bình Dương hoàn thành sẽ càng đè nặng thêm áp lực giao thông lên cửa ngõ TP.HCM.
Đề xuất xóa bỏ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1)
Trong văn bản vừa gửi Sở GTVT TP.HCM, PC08 cho biết qua công tác theo dõi, khảo sát thực tế hiện trường, đơn vị này nhận thấy tình hình trật tự an toàn giao thông trên tuyến Điện Biên Phủ diễn biến phức tạp, đặc biệt vào giờ cao điểm (sáng, chiều). Các phương tiện tập trung trên tuyến Điện Biên Phủ (đoạn từ cầu Sài Gòn đến vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm) gây ùn ứ phương tiện tại vòng xoay Hàng Xanh và vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các khu vực nêu trên, PC08 đề xuất Sở GTVT đặt lệch dải phân cách một đoạn khoảng 45 m, vị trí gần giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng (hướng từ vòng xoay đến đường Bạch Đằng) để tạo thêm 1 làn rẽ trái từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh về đường Bạch Đằng, giúp giảm áp lực phương tiện khu vực vòng xoay Hàng Xanh.
Đồng thời, lắp đặt biển báo cấm dừng, đỗ xe giờ cao điểm (6 - 8 giờ; 16 - 18 giờ) và biển báo cấm đỗ xe từ (6 - 22 giờ) trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh cả 2 hướng đoạn từ vòng xoay đến đường Bạch Đằng. Trên tuyến đường Điện Biên Phủ (hướng từ vòng xoay Hàng Xanh đến đường Đinh Bộ Lĩnh), đơn vị này đề nghị lắp đặt biển báo cấm đỗ xe từ 6 - 22 giờ; lắp đặt dải phân cách di động tại chân cầu vượt Hàng Xanh, hướng từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu vượt Hàng Xanh nhằm nắn dòng các phương tiện đi lên cầu vượt, giảm áp lực phía dưới vòng xoay khi lượng phương tiện dồn về khu vực vòng xoay quá đông.
Đối với khu vực vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm, PC08 đề nghị kéo dài dải phân cách trên đường Điện Biên Phủ (cả 2 hướng) về phía vòng xoay nhằm hạn chế xe 2 bánh đi ngược chiều và quay đầu trước vòng xoay. Đặc biệt, kiến nghị nghiên cứu dỡ bỏ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm, tổ chức giao thông cho các phương tiện đi theo đèn tín hiệu giao thông qua khu vực giao lộ.
Theo đại diện Sở GTVT TP.HCM, TP hiểu rõ tầm quan trọng của tuyến QL13. Trước đây, do khó khăn về nguồn vốn, loại hình đầu tư theo hình thức BOT không còn phù hợp vì nằm trên tuyến đường cũ, cộng với chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn nên dự án bị ngưng trệ nhiều năm. Tuy nhiên hiện nay, TP đã nghiên cứu nguồn vốn để cân đối cho dự án.
Đó là kiến nghị T.Ư tăng tỷ lệ điều tiết cho TP hoặc tăng thêm vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; đề xuất được thông qua cơ chế đặc thù, áp dụng hợp đồng BOT đối với các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu, đồng thời kiến nghị được xây dựng cơ chế áp dụng hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước. Nếu các cơ chế này được thông qua thì bài toán tổng vốn đầu tư hơn 12.100 tỉ đồng mở rộng QL13 sẽ tìm ra lời giải. Dự kiến, dự án nâng cấp, mở rộng QL13 sẽ được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2024 và khởi công vào năm 2025, hoàn thành trước 2030.
Bên cạnh QL13, nút giao An Phú, QL50 cũng là 2 dự án cửa ngõ quan trọng mới được khởi công, đang được xác định ưu tiên tăng tốc thi công trong năm nay. Trong đó, QL50 trên địa bàn H.Bình Chánh sau khi hoàn thành sẽ tạo thành một trục nối kết cửa ngõ TP với Long An và các tỉnh miền Tây. Từ QL50 sẽ kết nối với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành và tuyến Vành đai 3 TP.HCM trong tương lai.
Với nút giao An Phú, chủ đầu tư và đơn vị thi công hiện đang dọn dẹp mặt bằng phía cầu Bà Dạt (TP.Thủ Đức), tổ chức rào chắn sau để tiến hành thi công. Suốt nhiều năm qua, khu vực này được đánh giá là nút thắt lớn nhất khiến tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Không chỉ có nút giao, đây là khu vực có rất nhiều loại hình giao thông kết nối như đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chuẩn bị mở rộng lên 8 làn xe; trong tương lai có đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang, đường sắt nhẹ từ TP.HCM đi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến metro số 2 từ Bến Thành qua Thủ Thiêm...
Với quy mô như vậy, việc khởi công nút giao An Phú có ý nghĩa khởi động đầu mối giao thông lớn của TP.HCM cũng như toàn khu vực. Cùng với đó, dự án mở rộng QL22, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ mở cửa ngõ phía bắc. Mạng lưới giao thông kết nối liên vùng của TP.HCM đang dần bung mở.
Mở giao thương, đột phá kinh tế
Kỹ sư Vũ Thắng, chuyên gia giao thông, đánh giá tất cả dự án "mở" cửa ngõ TP.HCM đều đã được quy hoạch và triển khai từ cách đây rất nhiều năm. Điều đó cho thấy từ rất nhiều nhiệm kỳ trước, người lãnh đạo đã xác định được tầm quan trọng của các tuyến giao thông huyết mạch kết nối liên vùng. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, TP chỉ loay hoay giải bài toán giao thông nội đô, mở rộng, xây mới các mạng đường đô thị phía trong mà quên đi rằng đó chỉ là thứ yếu. Nếu bên ngoài tắc thì không thể tổ chức được giao thông nội đô thông suốt.
Đó là lý do các dự án liên tục chậm trễ, vắt từ nhiệm kỳ lãnh đạo này qua nhiệm kỳ lãnh đạo khác. Ùn tắc thì từ ngoài lan rộng vào mạng lưới giao thông nội đô, khiến TP.HCM ách tắc từ trong ra ngoài không có phương án "cứu chữa". Hiện nay, lãnh đạo ngành giao thông TP đã bày tỏ quan điểm thay đổi chiến lược phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông, tập trung khơi thông các cửa ngõ, tăng tốc các dự án kết nối liên vùng, còn phía trong nội đô thì sắp xếp, điều chỉnh lại cơ cấu phương tiện, đẩy thật mạnh giao thông công cộng. Chủ trương này, theo ông Thắng là rất hợp lý.
Đồng Nai thống nhất phương án xây thêm 3 cây cầu kết nối TP.HCM
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc góp ý phương án xây dựng thêm 3 cầu để kết nối giao thông giữa 2 địa phương. Theo đó, tỉnh Đồng Nai thống nhất bổ sung vào quy hoạch vị trí cầu (tạm gọi là cầu Đồng Nai 2) để kết nối giữa TP.Thủ Đức (TP.HCM) với xã Tam An (H.Long Thành, Đồng Nai). Cầu sẽ có quy mô 6 làn xe, đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030. Phía Đồng Nai đề nghị TP.HCM cập nhật kết nối cây cầu này vào tuyến đường ĐT.777B đã có trong quy hoạch sử dụng đất H.Long Thành.
Theo đề xuất trước đó của Sở GTVT TP.HCM, cầu Phú Mỹ 2 kết nối H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) với phía nam TP.HCM cũng được tỉnh Đồng Nai thống nhất bổ sung vào quy hoạch. Vị trí thống nhất kết nối từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi theo đường Hoàng Quốc Việt, vượt sông Đồng Nai theo hướng vuông góc sang Nhơn Trạch, cắt ngang khu dân cư Phú Hữu. Dự kiến cầu Phú Mỹ 2 được xây dựng 8 làn xe sau khi hoàn thành sẽ kết nối mạng lưới giao thông sân bay Long Thành đến khu vực phía TP.HCM, giai đoạn đầu tư từ 2026 - 2030.
Đồng Nai cũng thống nhất với TP.HCM bổ sung cầu thay vì phà Cát Lái, quy mô 6 làn xe, đầu tư trước năm 2025.
"Các đô thị lớn trên thế giới đều phải dựa vào vị trí, vị thế thuận tiện cho giao thương, lưu thông hàng hóa. TP.HCM có lợi thế nhiều cửa ngõ mở ra kết nối về nhiều phía để tụ hợp nguồn lực. Hàng hóa, nguồn lực từ khắp các nơi có thể lưu chuyển đi - về với TP đều thông qua các cửa ngõ. Chính nhờ điều này mà TP.HCM được coi là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Mạng lưới đường xương sống, kết nối liên vùng hoàn thiện thì giao thông nội đô sẽ tự thông thoáng hơn, các chính sách giãn dân, xây dựng đô thị đa trung tâm cũng dễ dàng thực hiện. Các dự án này TP nhất định phải ưu tiên làm nhanh vì nguồn thu trở lại từ hạ tầng thông thoáng, lợi ích tạo ra cho người dân, xã hội là rất lớn", kỹ sư Vũ Thắng nhấn mạnh.