Lo ngại rủi ro khi lãi suất liên tục hạ
- ATA Marcom
- Thứ năm - 30/11/2023 19:55
Lĩnh vực bất động sản vẫn khó hấp thụ vốn
Báo cáo: “Đổi mới cơ chế phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, một vài hàm ý với thị trường bất động sản” của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) mới đây cho biết, dư địa của chính sách tiền tệ được thể hiện chủ yếu ở việc giảm lãi suất, tuy nhiên dù lãi suất đã giảm nhưng nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản vẫn không hấp thụ được vốn.
Theo VIRES, loại trừ các doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn thì hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay, bởi không có cơ hội kinh doanh, không có “đầu ra”, làm liều vay vốn sẽ không trả được nợ, lại càng khó khăn hơn.
Trong bối cảnh này, VIRES cho biết, thay vì dựa vào đòn bẩy tài chính ngân hàng như thường lệ, nhiều doanh nghiệp chủ động chọn giải pháp tiết giảm chi phí, thu gọn quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng các tổ chức tín dụng muốn cho vay nhưng không cho vay được.
VIRES cho rằng, vấn đề của nền kinh tế Việt Nam hiện nay nằm nhiều ở sự suy yếu của tổng cầu. Hoạt động xuất - nhập khẩu hiện phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của các nền kinh tế lớn nhập khẩu hàng hoá dịch vụ từ Việt Nam. Trong khi đó, tới thời điểm này, thị trường xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực, nhưng chưa đủ để đưa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trở lại như năm 2022.
Đối với thị trường bất động sản, thanh khoản, niềm tin thị trường chưa thực sự hồi phục; nhiều dự án vẫn đang xếp hàng chờ tháo gỡ thủ tục pháp lý. Sự trầm lắng của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở, nhà cho thuê trong thời gian qua là một nguyên nhân quan trọng khiến tổng cầu suy giảm và ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng GDP.
“Trong bối cảnh như vậy, việc gia tăng tín dụng để doanh nghiệp hay các cơ sở kinh tế mở rộng sản xuất, đầu tư kinh doanh trong khi tổng cầu không đảm bảo hấp thụ được năng lực sản xuất mở rộng và nguồn cung gia tăng đó chắc chắn sẽ chứa đựng nhiều rủi ro đối với chính doanh nghiệp và kế tiếp là đối với chất lượng tín dụng”, VIRES nhận định.
Doanh nghiệp không nên quá trông chờ vào tín dụng ngân hàng
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến 30.9, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 3./12.2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Có thể thấy, lĩnh vực bất động sản đã được ưu tiên khá nhiều về góc độ tỷ trọng dư nợ tín dụng được phân bổ khi so sánh với các ngành còn lại của nền kinh tế.
Tuy nhiên, VIRES cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản không nên quá trông chờ vào tín dụng ngân hàng. Chờ được nới room hay tăng room bởi lượng tín dụng đổ vào bất động sản đang khá cao và vẫn trong xu hướng tăng. Với tình trạng hiện nay, kể cả có room riêng cho bất động sản, các doanh nghiệp chưa chắc đã tiếp cận được vì không đáp ứng các điều kiện cho vay từ phía ngân hàng.
Mặt khác, theo VIRES, nếu bất động sản vẫn tiếp tục trông mong vào tín dụng hỗ trợ, thì sẽ tạo ra rủi ro hệ thống rất lớn. Vì khi bất động sản bể nợ, thì sẽ lan sang ngân hàng.
Trái phiếu phải là nguồn vốn quan trọng nhất với thị trường bất động sản. Thị trường cần nguồn vốn trung và dài hạn thì phải trông chờ vào trái phiếu chứ không phải vốn ngân hàng. Không cách nào khác, phải giảm bớt sự lệ thuộc của ngành bất động sản vào ngân hàng, có như vậy thì mới phân tán được rủi ro.
VIRES cũng nhấn mạnh, dù giải pháp giảm lãi suất chưa mang lại hiệu quả để kéo nền kinh tế đi lên như kỳ vọng nhưng việc có tiếp tục giảm lãi suất nữa hay không cũng là vấn đề quan trọng.
Đặc biệt, hạ lãi suất để đưa giá tín dụng xuống thấp hơn nữa sẽ gặp những trở ngại như rủi ro về lạm phát vẫn chực chờ, tác động đối với tỷ giá hối đoái khi lãi suất của đồng USD tại nhiều nền kinh tế lớn khác vẫn chưa giảm hoặc thậm chí vẫn có khả năng được gia tăng.
Chưa kể, tăng trưởng mạnh tín dụng sẽ hỗ trợ cho thị trường, nhưng lại làm suy yếu các nỗ lực của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng trong việc đa dạng hóa nguồn vốn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu dự án.
Nguồn tin: thanhnienviet.vn