Bất động sản thoát đáy, hé lộ thời điểm phục hồi
- ATA Marcom
- Thứ ba - 05/12/2023 20:17
Theo Báo cáo thị trường quý 3.2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong 9 tháng đầu năm 2023, Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành đã làm việc một cách rất quyết liệt với quyết tâm cao nhằm khôi phục trở lại thị trường bất động sản.
Trong đó có gần 20 động thái từ phía Chính phủ được phát đi một cách liên tục và dồn dập, góp phần tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho thị trường cũng như các chủ thể tham gia.
VARS nhận định, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11.3.2023 là tín hiệu cao nhất, mang tính định hướng và chỉ dẫn.
Theo đó, thị trường bất động sản diễn ra với những diễn tiến tích cực hơn. Lần đầu tiên sau nhiều năm trở lại đây, các chủ đầu tư dự án đã thể hiện rõ thiện chí bán hàng với loạt chính sách kích cầu hấp dẫn như chiết khấu, khuyến mại, hỗ trợ lãi suất trong thời gian dài. Đặc biệt là nhận nhà sớm và kéo dài thời gian thanh toán, trong đó có dự án lên tới 3 năm.
Nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường theo đó đã từng bước được cải thiện. Đồng thời cơ bản đã tháo gỡ cho hầu hết các dự án “còn khả năng” tái khởi động trở lại.
Nguồn cung được cải thiện nhiều hơn các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dân, tình hình thanh khoản trên thị trường cũng có tín hiệu tích cực.
Cụ thể, quý 2.2023 thị trường ghi nhận 3.700 giao dịch, tăng 37% so với mức 2.700 ở quý 1. Đến quý 3, thị trường đã ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần quý 2 và hơn 2 lần so với quý 1.2023.
Phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn duy trì sự hấp dẫn khi thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quy mô vốn cho thương vụ M&A khoảng từ 20-50 triệu USD với các nhóm nhà đầu tư Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia… trong đó ưu tiên dự án pháp lý sạch, có tiềm năng.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2023 mới đây của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nhìn chung tình hình kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn những tháng đầu năm.
Đặc biệt, nỗ lực quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong việc tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào những tháng cuối năm đã và đang có kết quả khả quan, tác động tích cực tới tình hình kinh tế - xã hội.
Tính chung 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước, ước tính đạt 75% kế hoạch, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) cũng tiếp tục duy trì đà tăng, tính đến ngày 22.11.2023, vốn FDI đăng ký cấp mới ước tính đạt 16,41 tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,87 tỷ USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn về chính sách tiền tệ của NHNN, PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo, Đại học Thành Đông trước đó cũng cho biết, thời gian qua, việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, luôn có sự chủ động trong dự báo, kịp thời chuyển hướng điều hành phù hợp với diễn biến, thực hiện được mục tiêu về kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cũng như bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn đang gặp khó khăn, những số liệu thống kê được ghi nhận từ quý 3.2023 cho thấy, triển vọng tăng trưởng sáng hơn cho bất động sản năm 2024 là có cơ sở khi kinh tế đang tăng tốc hồi phục vào những tháng cuối năm. Đây cũng cũng sẽ nền tảng cho những mục tiêu kinh tế năm tới.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng, thời gian tới, bất động sản sẽ tiếp tục được cải thiện khi các biện pháp điều hành kinh tế chung của Chính phủ thực sự phát huy tác dụng.
“Tuy nhiên sẽ rất khó đạt mức “đột biến”, nếu các động thái từ các cơ quan, bộ ngành và hệ thống ngân hàng không có sự khác biệt”, ông Đính nhấn mạnh.
Nguồn tin: thanhnienviet.vn