Bất động sản 24h: Cần Thơ tập trung đầu tư hạ tầng
- ATA Marcom
- Thứ năm - 01/02/2024 21:51
Hơn 5.000 tỉ đồng đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. Cần Thơ
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có nội dung phản hồi kiến nghị của cư tri TP. Cần Thơ liên quan đến việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Trong đó, cử tri kiến nghị sớm bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện Dự án đường tránh Long Xuyên tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua địa bàn quận Thốt Nốt (chiều dài khoảng 5,3 km) để giảm ùn tắc, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Bộ GTVT cho biết, dự án tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên được Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất ban đầu với tổng chiều dài khoảng 23,56 km. Dự án có điểm đầu dự án thuộc địa phận quận Thốt Nốt – TP. Cần Thơ (đoạn tuyến tránh thị trấn Thốt Nốt), điểm cuối dự án Km 65+00 (trước giáo xứ Cần Xây) thuộc địa phận TP. Long Xuyên- tỉnh An Giang. Quy mô của Dự án là đường cấp III đồng bằng với nền đường rộng 12m và mặt đường rộng 11m, vận tốc thiết kế là 80km/giờ.
Đề xuất nghiên cứu quy hoạch tuyến đường vành đai kết nối Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và khu vực Tây Nguyên
Sáng 31/1, tại hội thảo khoa học góp ý dự thảo quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó chủ tịch UBND Bình Dương Nguyễn Văn Dành đã đề xuất ý tưởng nghiên cứu lập quy hoạch tuyến đường Vành đai 5 TP.HCM. Cụ thể, theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, hành lang Đông Nam Bộ là trục kinh tế chính của vùng, nối từ Tây Nguyên qua Bình Dương, Đồng Nai, đến cảng Cái Mép - Thị Vải (BR-VT).
TP.HCM đã phát triển (các dịch vụ đô thị, dân cư, khu công nghiệp...) gần lấp đầy đến đường Vành đai 2. Do đó, khoảng giữa Vành đai 3 và Vành đai 4 là khu vực phù hợp nhất để phát triển công nghiệp, các cơ sở hạ tầng quốc gia và của vùng.
Riêng tại Bình Dương, hạ tầng được đầu tư phát triển nhanh, đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường Vành đai 3, không gian đang phát triển nhanh đến Vành đai 4 và hiện theo nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thì vùng TP.HCM cần thêm một đường Vành đai 5 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Lâm Đồng mạnh tay xử lý vi phạm tại hàng loạt dự án lớn
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, cuối tháng 12/2023, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh.
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh phát hiện, xử lý 126 trường hợp vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, giảm 09 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022 (126/135 trường hợp). Trong đó, có 57 trường hợp xây dựng không phép, 53 trường hợp xây dựng sai phép và 16 trường hợp vi phạm khác.
Các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng chủ yếu tập trung tại các địa bàn như: Thành phố Đà Lạt có 68 trường hợp; thành phố Bảo Lộc có 25 trường hợp; huyện Đức Trọng có 13 trường hợp. Cũng trong năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh phát hiện, xử lý 6.904 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, giảm 1.869 trường hợp so với năm 2022 (6.904/8.773 trường hợp).
Sắp kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính về đất đai tại 5 huyện Hà Nội
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch kiểm tra việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai. Theo kế hoạch, UBND TP thực hiện kiểm tra UBND các huyện: Hoài Đức, Ba Vì, Phú Xuyên, Mê Linh, Gia Lâm và UBND xã, thị trấn thuộc các huyện nêu trên trong quý 1, quý 2 và quý 3.2024. Thời kỳ thực hiện kiểm tra từ 1.1.2020-31.12.2023.
Nội dung kiểm tra là việc quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật và việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Mục đích của kế hoạch nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai tại một số huyện trên địa bàn thành phố; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục. Đồng thời phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng luật.
Nguồn tin: thanhnienviet.vn