Tây Ninh: Vận tải hàng hóa kết hợp du lịch tương lai bằng cảng hàng không
- ATA Marcom
- Thứ hai - 28/08/2023 21:20
Ngày 22.11, UBND tỉnh Tây Ninh cho biết đã phê duyệt đề án rà soát thực hiện quy hoạch và định hướng phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó tỉnh đề xuất quy hoạch xây dựng sân bay Tây Ninh để phát triển kinh tế và du lịch…
Đề xuất quy hoạch sân bay Tây Ninh cấp 4E
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng, trong đề án, địa phương có định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ liên hoàn và có tính kết nối cao với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước và Long An. Trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của Tây Ninh - là cửa ngõ ASEAN, khai thác tiềm năng lợi thế kinh tế biên mậu với Campuchia và khu vực ASEAN…
Theo đó, định hướng quy hoạch cảng hàng không Tây Ninh là sân bay cấp 4E, đáp ứng khai thác các loại máy cỡ lớn A350, B787, B777, A320, A321, ATR72, F70 và các dòng máy bay tư nhân. Công suất dự báo đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 1 triệu hành khách/năm, hàng hóa khoảng 2.000 tấn/năm. Đến năm 2050 đạt khoảng 2 triệu hành khách/năm và hàng hóa khoảng 5.000 tấn/năm. Đặc biệt, cảng hàng không Tây Ninh có chức năng dân dụng, thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa thường kỳ và một số tuyến bay quốc tế. Cảng hàng không Tây Ninh có chức năng vận tải hàng hóa kết hợp du lịch nhằm phát triển kinh tế xã hội tỉnh Tây Ninh và hỗ trợ, phục vụ phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát. Tây Ninh dành quỹ đất 500 ha để xây sân bay tại vị trí dân cư thưa thớt, gần các tuyến đường quan trọng như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 22, 22B, 22C... kết nối thuận lợi với khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch quốc gia của tỉnh.
Năm 2030 hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối vùng
Mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh sẽ hoàn thành tuyến giao thông kết nối vùng như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (dài khoảng 50km, đoạn qua Tây Ninh dài 26,3 km), cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (dài 65km), đường Hồ Chí Minh, chuyển cấp các tuyến đường địa phương thành quốc lộ theo quy hoạch và từng bước đầu tư nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn quy hoạch các tuyến quốc lộ 22C (kết nối tỉnh Bình Dương đến cửa khẩu chính Kà Tum của Tây Ninh với chiều dài khoảng 70km), quốc lộ 56B (kết nối Bình Dương đến cửa khẩu Phước Tân với chiều dài 71km) và quốc lộ 14C…
Để khai thác có hiệu quả các tuyến giao thông này, ngoài nâng cấp các tuyến đường hiện hữu, Tây Ninh cho bổ sung xây mới 11 cầu vượt sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn để phá thế chia cắt tự nhiên bởi sông, rạch…kết nối các điểm du lịch, khu công nghiệp, các đầu mối hàng hóa và các trung tâm logistic, ICD, cảng thủy nội địa, các vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến… Trong đó, sông Vàm Cỏ Đông sẽ được quy hoạch đầu tư mới 8 cầu (nâng tổng số 15 cầu) và sông Sài Gòn quy hoạch mới 3 cầu kết nối Tây Ninh với Bình Dương (nâng tổng số 6 cầu).
Ngoài ra, các cảng, bến thủy nội địa, bến xe, trạm dừng tại các trục giao thông chính cũng được xã hội hóa nhằm phục vụ phát triển du lịch…
Tại buổi tọa đàm “Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không” do Bộ GTVT tổ chức chiều 4.11, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh việc địa phương có đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay Tây Ninh không phải vì “thấy mọi người có sân bay thì tỉnh mới đăng ký". Ông Ngọc cho biết, theo quy luật phát triển, các tiện ích cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường thủy, hàng không phải phát triển theo để đáp ứng nhu cầu. Do đó, nếu đầu tư từ nguồn xã hội hóa thì nên xem sân bay như một dự án đầu tư đơn thuần.
Ông Ngọc cũng khẳng định: “Tây Ninh hội đủ yếu tố cần và đủ, đặc biệt dư địa phát triển của Tây Ninh về du lịch rất lớn. Việc hình thành sân bay Tây Ninh không chỉ chia sẻ áp lực vận chuyển hàng không với sân bay Tân Sơn Nhất mà còn giúp Tây Ninh kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài nước, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và đối ngoại quốc gia”.
Nguồn tin: thanhnien.vn