Nóng trong tuần: Nhiều tỉnh thành công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030
- ATA Marcom
- Chủ nhật - 24/12/2023 04:49
Hải Dương sẽ có 3 thành phố, 1 thị xã và 24 đô thị nào vào năm 2030?
1 đô thị loại I là thành phố Hải Dương; 1 đô thị loại II là TP Chí Linh; 1 đô thị loại III là thành phố Kinh Môn (thành lập từ thị xã Kinh Môn) và thị xã Bình Giang. 6 đô thị loại IV khác là thị trấn Nam Sách (mở rộng), thị trấn Gia Lộc (mở rộng), thị trấn Lai Cách (mở rộng), thị trấn Phú Thái (mở rộng), thị trấn Ninh Giang (mở rộng) và thị trấn Thanh Miện.
Và 4 đô thị loại V hiện hữu là thị trấn Cẩm Giang, thị trấn Tứ Kỳ (dự kiến mở rộng), thị trấn Thanh Hà (dự kiến mở rộng) và đô thị Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ. Trong 14 đô thị mới thì có 2 đô thị đã được công nhận mới là đô thị Thanh Quang (được công nhận đô thị loại V năm 2021), đô thị Đoàn Tùng (được công nhận đô thị loại V năm 2022).
12 đô thị sẽ được nâng cấp trên sơ sở các xã có điều kiện kinh tế xã hội, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật phát triển gồm các đô thị: Tân Trường, Lương Điền, (huyện Cẩm Giàng); Tứ Cường (huyện Thanh Miện); Nghĩa An, Ứng Hoè (huyện Ninh Giang); Nguyên Giáp – Tiên Động (huyện Tứ Kỳ); Minh Tân (huyện Nam Sách); Quang Minh, Yết Kiêu (huyện Gia Lộc); Đồng Cẩm, Cộng Hoà (huyện Kim Thành); Tân An – Thanh Hải (huyện Thanh Hà).
Hạ tầng giao thông Bà Rịa – Vũng Tàu trong những năm tới: 2 sân bay, cao tốc, đường sắt, cảng biển… rồi còn gì nữa?
Theo quy hoạch 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước. Để đạt mục tiêu này, quy hoạch và xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông sẽ được địa phương này đầu tư mạnh trong những năm tới.
Đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu có 22 tuyến đường tỉnh, trong đó có 12 tuyến hiện hữu và 10 tuyến bổ sung theo quy hoạch: Với đường hiện hữu sẽ đầu tư nâng cấp, điều chỉnh hướng tuyến của một số đoạn và xây dựng nối dài các đoạn tuyến chưa được hình thành để bảo đảm các thông số kỹ thuật, hình thành mạng lưới giao thông thông suốt, bảo đảm phục vụ thuận lợi cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Với 10 tuyến đường tỉnh bổ sung mới: điều chỉnh một số đường hiện hữu, nâng cấp và đầu tư các đoạn mở mới để hình thành mạng lưới giao thông thông suốt, gồm: ĐT992B (đường Phước Hòa - Cái Mép); ĐT992C (đường 965); ĐT994B (đường trục chính Bà Rịa - Vũng Tàu); ĐT994C (đoạn đường QL51 chuyển thành đường địa phương); ĐT994D (đường 30/4); ĐT994E (đường Hoàng Sa); ĐT995C (Nghĩa Thành - Cù Bị); ĐT996D (Châu Đức-Long Điền); ĐT999B (Hồ Cốc - Hòa Hiệp); đường vòng huyện Côn Đảo.
Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch thêm 11 khu công nghiệp
Theo phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp của đồ án Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 toàn tỉnh có đến 24 khu công nghiệp.
Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư vào 13 khu công nghiệp đang hoạt động; hoàn thành các thủ tục và triển khai đầu tư hạ tầng 04 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch; bổ sung quy hoạch 07 khu công nghiệp mới.
Đến năm 2030, toàn tỉnh có 24 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 16.052ha, đất khu công nghiệp phân bổ chỉ tiêu sử dụng đến năm 2030 là 10.755ha.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án bất động sản
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1376/CĐ-TTg ngày 17/12/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường Bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Công điện nêu: Từ cuối năm 2022 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn. Qua đó, thị trường bất động sản đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, doanh nghiệp và thị trường còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục pháp lý, tiếp cận tín dụng, nhất là thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất nên thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn.
Giai đoạn 2023 – 2025, Bình Thuận sẽ thực hiện thí điểm mô hình kinh tế ban đêm tại khu vực nào?
Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, xây dựng Phan Thiết - Mũi Né và các điểm du lịch trở thành điểm đến sôi động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu làm việc, vui chơi giải trí, mua sắm, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm cuộc sống về đêm của người dân và du khách.
Qua đó, thúc đẩy ngành dịch vụ, du lịch phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đồng thời lan tỏa phát triển các ngành kinh tế khác, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực và cả nước.
Trong giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức thực hiện thí điểm mô hình kinh tế ban đêm tại địa bàn thành phố Phan Thiết trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh khuyến khích tổ chức thí điểm kinh tế ban đêm tại huyện Phú Quý.
Hé lộ dòng vốn đầu tư lớn đổ bộ vào tỉnh Bình Định trong năm 2023
UBND tỉnh Bình Định cho biết, từ đầu năm đến nay tỉnh Bình Định thu hút 06 dự án FDI đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư là 46,2 triệu USD; điều chỉnh 05 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 46,5 triệu USD.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 91 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,19 tỷ USD. Qua đó giải quyết một lượng lớn lao động địa phương và thu hút lực lượng lao động chất lượng cao làm việc tại Bình Định. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút mới 69 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 13.709 tỷ đồng.
Nếu tính chung cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, đến nay đã thu hút mới 75 dự án với tổng vốn đăng ký gần 15.000 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch năm (75/60 dự án). Trong đó có 19 dự án trong Khu kinh tế và Khu công nghiệp; 56 dự án ngoài Khu kinh tế và Khu công nghiệp. Đồng thời, đã thực hiện điều chỉnh vốn 64 dự án với tổng vốn tăng thêm khoảng 3.478 tỷ đồng.
Nguồn tin: thanhnienviet.vn