Nguồn Cung Nhà Ở Xã Hội Năm 2023 Chỉ Đáp Ứng Khoảng 20% Nhu Cầu
- ATA Marcom
- Thứ ba - 26/12/2023 04:22
Nhà ở xã hội năm 2023 mới đáp ứng 20% nhu cầu thực tế
Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030” Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, tổng sốcăn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên thực tế, theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), lượng dự án hiện tại mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu của công nhân lao động.
Mặc dù kết quả hiện thực còn cách xa mục tiêu đề ra nhưng tốc độ phát triển nhà ở xã hội năm 2023 đã khả quan hơn. Kết quả này được thể hiện rõ thông qua các số liệu của Sở Xây dựng. Tính đến năm 2023, nhà ở xã hội mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thực tế của công nhân lao động.
Xem thêm: Tiến Độ Triển Khai Đề Án 1 Triệu Căn Nhà Ở Xã Hội Hiện Ra Sao?
Riêng giai đoạn 2021-2025, cả nước mới hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 20.210 căn hộ, chỉ bằng 4,7% kế hoạch đề ra. Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, nếu như năm 2021, cả nước chỉ có 3.046 căn hộ hoàn thành xây dựng và 2.127 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng thì sang đến năm 2022, con số này đã tăng lên gấp đôi, gấp bốn lần với 6.196 căn hoàn thành xây dựng và 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Đáng chú ý, nhiều địa phương đã và đang tích cực vào cuộc để thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở xã hội năm 2023, nhà dành cho công nhân. Theo đó, năm 2021, 2022, mỗi năm cả nước chỉ có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô khoảng gần 6.000 căn hộ thì chỉ tính riêng quý 3/2023, đã có tới 12 dự án với quy mô 12.679 căn hộ được chấp thuận chủ trương đầu tư trên cả nước.
Kỳ vọng những tiến triển được tạo nên từ chính sách
Theo VARS, tình hình phát triển nhà ở xã hội năm 2023 trở đi sẽ tiếp tục có thêm những kết quả tích cực hơn với trợ lực từ chính sách. Đặc biệt, việc thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) mới đây, với nhiều quy định mới gỡ khó cho người mua và chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội, kỳ vọng sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển phân khúc nhà ở xã hội năm 2023, cũng như tăng khả năng tiếp cận loại hình nhà ở này cho người thu nhập thấp đủ khả năng và điều kiện để mua nhà.
Theo Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua, chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội sẽ nhận được hàng loạt ưu đãi với cơ chế thông thoáng hơn.
Cụ thể, việc dành 20% quỹ đất nhà ở xã hội sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương. Quy định này không những giải quyết được bất cập về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội từ trước đến nay cho chủ đầu tư, mà còn có lợi cho người mua nhà bởi thông qua việc nắm rõ các thông tin về nhu cầu của người dân, định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai, địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án (trừ phần diện tích đất để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại, chiếm tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất trong dự án) mà không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Theo tính toán, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được rút ngắn khoảng 1 năm.
Ngoài ra, việc chỉ áp biên lợi nhuận với phần diện tích nhà ở xã hội sẽ giúp chủ đầu tư có thêm lợi nhuận từ việc phát triển nhà ở xã hội thông qua phần diện tích thương mại, là điểm cộng, tăng sức hút đối với các chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở mới đã được sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách rất quan trọng và thiết thực, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tiếp cận cho người dân khi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Đây cũng là điểm kỳ vọng tạo cú hích thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, thúc đẩy tiến trình phục hồi của thị trường bất động sản.
Mặc dù phải tới năm 2025, các quy định trong Luật Nhà ở (sửa đổi) mới chính thức đi vào cuộc sống, nhưng các điểm mới này đã phần nào tác động đến tâm lý của người mua nhà, cũng như kế hoạch phát triển của chủ đầu tư. Thời gian vừa qua, hàng loạt dự án nhà ở xã hội đã được các doanh nghiệp đăng ký thực hiện. Sắp tới sẽ có thêm nhiều “ông lớn” địa ốc tham gia vào cuộc đua nhà ở xã hội năm 2023 từng bước cải thiện nguồn cung cho thị trường.
Bộ Xây dựng cho biết, về triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 25.884 tỷ đồng. Nhìn chung nhà ở xã hội năm 2023 mới chỉ có một số dự án tại các địa phương đã được giải ngân với số vốn khoảng 143,3 tỷ đồng.
Đông Phong
- Điểm Sáng Mới Của Dự Án Nhà Ở Xã Hội
- Loạt Thách Thức Khiến Nhà Ở Xã Hội Khó Cán Mốc 1 Triệu Căn Năm 2030
Nguồn tin: thanhnienviet.vn