Người thuê nhà "khóc ròng" mùa dịch
- ATA Marcom
- Chủ nhật - 18/07/2021 14:23
Rút 2 triệu đồng từ ATM để thanh toán tiền nhà trọ, anh Thiện ngậm ngùi nghĩ về những tháng ngày sắp tới. Vốn là nhân viên văn phòng, cũng thuộc dạng sống vừa đủ ở TP.HCM, Thiện bỗng nhiên bị giảm lương, rồi mất việc, chỉ vì công ty không còn trụ nổi giữa vòng xoáy đại dịch.
"Tôi nghỉ việc gần 3 tuần nay vì công ty không cầm cự nổi. Mùa dịch, kiếm việc mới thì khó nên tôi đành ở nhà, lên mạng tìm việc freelance làm, nhưng cũng chẳng có. Ở nhà thì tiền điện tiền nước tăng do sinh hoạt, tiền phòng không giảm. Tiền tiết kiệm thì cạn dần. Đến nước này thì chắc sắp chết đói" – Thiện than thở.
Được biết, Thiện đang thuê một căn phòng khoảng 15m2 ở trong một con hẻm tại quận Tân Phú. Với anh, căn phòng này bình thường là một chốn đi về tiện lợi bởi sự sáng sủa, sạch sẽ, chủ nhà thân thiện, giá cả phải chăng. Nhưng những ngày này, gánh nặng tiền phòng khiến Thiện trăn trở.
"Thực ra chủ nhà có giảm chút đỉnh tiền phòng. Giảm 500.000 cũng là phước đức rồi. Người ta tự giảm chứ hợp đồng có quy định gì đâu. Mình không thể yêu cầu người ta giảm thêm. Có điều, mùa dịch, với người mới mất việc như tôi xoay xở cũng khó khăn." – Thiện chia sẻ.
Còn với anh Hiến (25 tuổi, Gò Vấp), những ngày này thực sự căng như dây đàn. 2 năm trước, Hiến và nhóm bạn hùn hạp, thuê mặt bằng mở một quán bia và café cho giới trẻ. Hợp đồng ký theo năm, tiền thuê mặt bằng 2 tầng ở đường Phạm Văn Đồng là 35 triệu đồng/ tháng. Để tiết kiệm và tận dụng mọi nguồn lực, Hiến ở tại đây, vừa có chỗ ngủ nghỉ, tiết kiệm, vừa đỡ mất công di chuyển, coi chừng đồ đạc. Thời gian đầu, quán kinh doanh tạm ổn, mọi thứ suôn sẻ.
Bùng dịch, quán xá đóng cửa mấy đợt, Hiến cùng những người bạn không xoay xở nổi, tìm cách thương lượng với chủ nhà giảm tiền thuê. Tuy nhiên, người chủ không chịu.
"Hợp đồng đã ký kết, chủ nhà dựa theo hợp đồng không có điều khoản giảm giá thuê trong bất kỳ trường hợp nào. Đành chịu thôi. Nếu tôi trả mặt bằng, sau này thuê lại sẽ rất khó. Nhưng giờ cứ vầy thì cũng không biết thoi thóp đến bao giờ" – Hiến cho biết.
Trong khi đó, bà Trâm một chủ nhà ở quận 10 chia sẻ với chúng tôi, từ thời điểm bùng dịch đến hiện tại, bà Trâm đã giảm khoảng 50% tiền thuê cho khách ở trọ. Phần lớn những người thuê phòng tại đây đều là khách quen, gắn bó trên 3 năm, cũng vì tình nghĩa mà giảm giá.
"Hợp đồng cũng không quy định gì đâu. Nhưng mình thấy dịch ai cũng khó khăn nên giảm giá chút cho người ta đỡ khó. Khi nào ổn định lại mình đưa về giá cũ có sao đâu. Ở đây toàn người ở quen, trên 3 năm cả, mọi người thậm chí vui vẻ coi nhau như người nhà. Tôi cũng khó, vì tiền điện nước có giảm đâu. Rồi bao nhiêu chi phí. Nhưng thôi, bù chỗ này chỗ kia để cùng nhau vượt qua mùa này." – bà Trâm cho hay.
Theo nhiều người, chuyện giảm tiền thuê hay không là chuyện thương lượng giữa chủ nhà và người cho thuê. Hợp đồng đã ký kết, nếu không có điều khoản giảm trừ cụ thể thì chủ nhà có thể không giảm. Vì đây là hợp đồng dân sự và trên thực tế, những điều khoản trong hợp đồng là ràng buộc pháp lý duy nhất giữa chủ nhà và người thuê nhà.
Nguồn tin: cafeland.vn