Bất động sản 24h: Việt Nam thu hút dòng vốn FDI kỷ lục với gần 37 tỷ USD
- ATA Marcom
- Thứ tư - 27/12/2023 19:32
Mở cảng cạn Thạnh Phước ở TP. Tân Uyên
Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố mở cảng cạn Thạnh Phước (vị trí số 207, đường ĐT 747A, phường Thạnh Phước, TP. Tân Uyên). Cảng cạn có năng lực thông qua tới năm 2030 đạt 100.000 - 170.000 Teu/năm.
Mục tiêu của cảng cạn là khai thác, kinh doanh dịch vụ và thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng cạn phù hợp với quy định Nghị định số 38/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ và Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp.
Chủ đầu tư cảng cạn (Công ty Cổ phần Cảng Thạnh Phước) thực hiện các trách nhiệm và quyền hạn của doanh nghiệp khai thác cảng theo quy định tại Nghị định số 38/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ và quy định của pháp luật có liên quan;
Đón gần 3 tỷ USD trong 1 tháng, địa phương này “soán ngôi” Quảng Ninh trở thành nơi hút vốn FDI nhiều nhất Việt Nam năm 2023
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay. Nếu tính theo địa bàn, năm 2023, TP.HCM trở thành quán quân thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5,85 tỷ USD (tăng từ mức 3,08 tỷ USD trong 11 tháng năm 2023), chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, vốn đầu tư của TP.HCM chủ yếu theo phương thức góp vốn, mua cổ phần. Hình thức đầu tư này chiếm gần 73,3% tổng vốn đầu tư của TP.HCM trong năm 2023.
Trong khi đó, Hải Phòng xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,26 tỷ USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 66,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình…
Bình Phước khởi công tuyến đường hơn 31km kết nối Đồng Xoài - Đồng Phú - Phú Riềng
Theo quy hoạch, tuyến đường dọc sông Bé đoạn qua huyện Phú Riềng có chiều dài khoảng 31,5km, có điểm đầu giáp ranh xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập, kết nối vào đường ĐT760. Ở giai đoạn 1, với mục tiêu kết nối giữa hai huyện Đồng Phú và Phú Riềng, UBND huyện Phú Riềng đã đầu tư xây dựng một cầu bê tông cốt thép dự ứng lực với chiều dài 51,6m bắc qua suối Rạt, bề rộng mặt cầu 10,5m và 4,7km mặt đường láng nhựa bề rộng 7m nhằm kết nối trục ĐT758 và đường Long Tân - Tân Hưng (Hớn Quản).
Tại địa phận huyện Đồng Phú, UBND huyện đầu tư xây dựng tuyến đường dài 1,2km, với diện tích thu hồi khoảng 3,65ha đất và 93 hộ dân bị ảnh hưởng.
Trong giai đoạn 2, tuyến đường có chiều dài khoảng 10,1km, có điểm đầu nối tiếp giai đoạn 1 và điểm cuối giao với đường ĐT.757 (xã Long Hà).
Theo quy hoạch, tuyến đường dọc sông Bé đoạn qua huyện Phú Riềng có chiều dài khoảng 31,5km, có điểm đầu giáp ranh xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập, kết nối vào đường ĐT760.
Một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất cả nước sẽ có 2 sân bay
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà mới đây đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có nội dung quan trọng về quy hoạch và phát triển mạng lưới giao thông của địa phương này trong những năm sắp tới.
Đặc biệt, về phát triển hàng không trong những năm tới tỉnh Sơn La sẽ quy hoạch hai sân bay gồm Nà Sản và Mộc Châu. Cụ thể, sân bay Nà Sản theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quy định là cảng hàng không nội địa cấp 4C (theo ICAO) và là sân bay quân sự cấp I.
Công suất đến năm 2030 dự kiến là 1,0 triệu khách/năm, đến năm 2050 là 2,0 triệu khách/năm. Trong khi đó sân bay chuyên dùng Mộc Châu sẽ nghiên cứu xây dựng theo hướng là sân bay chuyên dùng khi có đủ điều kiện, vị trí dự kiến ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu; phục vụ mục tiêu phát triển du lịch.
Nguồn tin: thanhnienviet.vn